Bartender là gì? Công việc và kỹ năng cần thiết để trở thành bartender

Đối với những người có niềm đam mê với thức uống có cồn và cách pha chế chúng thì bartender là một nghề thú vị và cực kỳ phù hợp. Nghề bartender phù hợp với các bạn cá tính và có tính tỉ mỉ, sáng tạo. Vậy bartender gì? Công việc của bartender là gì và những kỹ năng cần thiết để theo đuổi nghề này là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Bartender là gì?

Bartender hay còn là nhân viên pha chế, là từ ngữ được dùng để chỉ những người pha chế thức uống có cồn như rượu, cocktail hay mocktail… Trong đó, “bar” dùng để chỉ nơi làm việc. Tuy nhiên hiện nay, môi trường bartender rộng mở hơn, ngoài quán bar thì đó có thể là nhà hàng, khách sạn, club, lounge…

Bartender thường bị lầm tưởng giống với Barista, nhưng 2 thuật ngữ này có sự khác biệt lớn. Trong khi bartender chuyên về các thức uống có cồn thì barista thường pha chế các thức uống về cà phê hay các thức uống không cồn hiện đại.

Công việc của bartender gồm những gì?

  • Nhận yêu cầu từ khách hàng và pha chế đồ uống cho khách
  • Tương tác, giao tiếp với khách hàng
  •  Phục vụ đồ ăn nhẹ, đồ uống cho khách hàng
  • Đánh giá nhu cầu và sở thích của khách hàng, từ đó đưa ra các gợi ý thức uống phù hợp
  • Sắp xếp đồ dùng ở quầy sao cho đẹp mắt và đầy đủ
  • Sáng tạo các công thức nước uống mới, phù hợp với sở thích, xu hướng mới
  • Trong một số quán hay một số thức uống, bartender cần yêu cầu kiểm tra độ tuổi của khách hàng, xác nhận khách hàng đủ tuổi uống thức uống có cồn
  • Đặt  nguyên liệu, kiểm tra hàng tồn kho
  • Cung cấp dịch vụ tuyệt vời cho khách, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách
  • Tuân thủ các quy định về thực phẩm và thức uống, đặc biệt là thức uống có cồn
  • Biểu diễn nghệ thuật pha chế cho khách hàng thưởng thức

Các kỹ năng cần thiết để trở thành bartender

Kiến thức về pha chế, nguyên liệu và cách trang trí thức uống

Bartender không đơn giản là một người pha chế nước uống theo công thức có sẵn. Một bartender chuyên nghiệp phải có kiến thức vững chắc về nguyên liệu, thức uống, cách kết hợp các nguyên liệu sao cho hợp lý… Ngoài ra, kỹ thuật pha chế như lắc, dằm, khuấy, tạo khói, flaming… cũng cực kỳ quan trọng nếu các bartender muốn tăng cơ hội làm việc cho bản thân. Am hiểu đa dạng kiến thức trong nghề kết hợp với kỹ năng điêu luyện sẽ giúp cho thức uống vừa ngon vừa đẹp mắt, quá trình pha chế cũng trở nên ấn tượng với khách hàng.

Kỹ năng giao tiếp xuất sắc

Với nơi làm việc tại quầy bar mở, bartender trực tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng và biểu diễn cho khách hàng xem. Bartender sẽ có rất nhiều cơ hội để trò chuyện với khách hàng. Biết cách giao tiếp khéo léo và duyên dáng sẽ giúp bartender trở nên thu hút với khách hàng hơn và ghi điểm tốt cho quán trong lòng họ, khiến họ muốn quay trở lại lần nữa để gặp người bartender đó. Ngoài việc trò chuyện với khách, bartender còn phải biết giải quyết các vấn đề hay giải đáp các thắc mắc, phàn nàn cho khách hàng.

Tính gọn gàng, nhanh nhẹn trong công việc

Yếu tố này giúp cho quầy bar, nơi bartender làm việc, luôn giữ được tình trạng sạch sẽ, gọn gàng. Bởi quầy bar là một nơi làm việc mở, khách hàng có thể thấy toàn bộ quá trình thức uống của họ được làm ra như thế nào. Nếu quầy bar lộn xộn hoặc không vệ sinh dễ gây cảm giác mất ngon và khách hàng bớt cảm giác hứng thú dù bạn có lối nói chuyện lôi cuốn hay tay nghề điêu luyện.

Biết ngoại ngữ là một lợi thế

Có thể nói, biết ngoại ngữ là một điểm cộng lớn trong mọi nghề và bartender cũng không ngoại lệ. Môi trường làm việc như khách sạn, nhà hàng hay quán bar, club thì cơ hội gặp người ngoại quốc là cực kỳ lớn. Biết ngoại ngữ giúp bartender tự mình nhận yêu cầu và trò chuyện với khách mà không cần người trợ giúp. Nhờ đó công việc cũng thuận tiện hơn và khách hàng cũng dễ hài lòng hơn.

Những lưu ý khi làm nghề bartender

Bartender là một nghề có mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc cũng đa dạng, thú vị. Tuy nhiên, cũng như các công việc khác, nghề bartender cũng có một số khó khăn đặc biệt. Đầu tiên là thời gian làm việc có thể không ổn định. Thường các khách sạn, nhà hàng đều cho nhân viên của họ làm theo ca vì thế bartender sẽ không làm việc hành chính như nhân viên văn phòng. Ca làm thường xuyên kết thúc buổi đêm muộn hoặc thậm chí là sáng sớm hôm sau. Bartender gắn liền với những nơi giải trí với thức uống có cồn nên không thể tránh các trường hợp gặp phải đủ kiểu người ở các trạng thái tỉnh táo khác nhau, việc này đối với các bartender nữ cũng có phần nguy hiểm.

Trên đây là bài viết về bartender là gì, công việc của bartender và các kỹ năng cần có ở một bartender. Bartender không đơn giản là một nhân viên pha chế mà họ còn có kiến thức chuyên sâu về thức uống và kỹ năng pha chế điêu luyện. Hy vọng bài viết trên đem lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích mà bạn đang tìm kiếm.